Thông thường, bạn tìm ý tưởng lên nội dung như thế nào? Bạn chọn làm theo một (vài) phương pháp nhất định hay để ý tưởng tự do đến với mình? Dù là cách nào thì người làm nội dung cũng không tránh khỏi những lúc cạn kiệt dòng suy nghĩ, giống như trạng thái Writer’s block (tình trạng bí ý tưởng) của nhà văn vậy.
Mình xin phép chia sẻ với các bạn những cách tìm ý tưởng nội dung hiệu quả cực kỳ, tính ra cũng đã 5 lần 7 lượt gỡ rối giùm mình.
Mục lục bài viết
1. Cải tiến những ý tưởng đã có
Đây là một trong những cách nhanh nhất để lên ý tưởng nội dung bền vững. Điểm mấu chốt ở đây là bạn phải theo dõi bên đối thủ xem tình hình xuất bản nội dung ra làm sao, từ đó cân nhắc xem liệu có thể cải thiện những ý tưởng đó tốt hơn hay không.
Việc này không đồng nghĩa với việc ăn cắp chất xám của người khác nhé. Thực tế, bạn hoàn toàn có quyền lên nội dung về một chủ đề tương tự và thực hiện từ góc nhìn của bạn. Đó chính là lý do tại sao gọi phương pháp này là sự đổi mới chứ không phải nhân bản hay sao chép.
Hạn chế lớn nhất của phương pháp này là: Vì phải dựa vào ý tưởng của người khác, bạn sẽ tự động đặt ra những giới hạn cho bản thân. Chẳng hạn, nếu đối thủ bỏ qua những chủ đề quan trọng dành cho đối tượng tiêu thụ nội dung của bạn thì bạn cũng sẽ bỏ lỡ kha khá. Vậy nên hãy sử dụng phương pháp tìm ý tưởng này thật cẩn trọng.
2. Lắng nghe khách hàng
Mục đích cơ bản của mọi loại hình nội dung là giải quyết những vấn đề của người sử dụng. Vậy có nghĩa là: Nếu có thể xác định những vấn đề mà khách hàng đang gặp phải, bạn hoàn toàn có thể lên nội dung xung quanh các giải pháp cho những vấn đề đó. Nội dung của bạn lúc này chính là câu trả lời cho họ.
Bước đầu tiên của phương pháp này là tìm kiếm các thắc mắc hay câu hỏi mà khách hàng thường xuyên đưa ra. 2 nguồn chính để tìm kiếm chính là phần bình luận tại những trang blog, MXH phổ biến như: Facebook, Zalo,… hoặc là những nền tảng Forum, Hỏi đáp trực tuyến như: Quora,…
3. Trả lời những câu hỏi để ngỏ
Thông thường, nội dung có thể được chia làm 2 loại đó là: chiến lượcvà chiến thuật.
Nội dung chiến lược tập trung vào mục tiêu và những điểm mang tính khái quát. Nội dung chiến thuật lại tập trung vào những cách cụ thể để thực hiện những việc cụ thể.
Điểm mấu chốt ở đây là bạn phải tiếp cận được những nội dung khi nó còn ở giai đoạn chiến lược. Những nội dung này thường được kết thúc bằng một câu hỏi để ngỏ hoặc cả nội dung sẽ khiến đọng lại trong khách hàng một băn khoăn, tò mò nhất định – chưa có hoặc là không có ai trả lời. Việc của bạn lúc này là đi sản xuất nội dung với vai trò là câu trả lời cho những câu hỏi này.
Lưu ý rằng, đừng để câu hỏi “ngỏ” quá lâu kể từ khi nó được đăng tải ở đâu đó hay bởi một ai đó vì nội dung đến đúng thời điểm luôn có tỷ lệ thành công cao hơn.
4. Bắt kịp xu hướng
Là người làm nội dung, việc cập nhật thông tin và nắm bắt xu hướng là vô cùng quan trọng. Chẳng gì tuyệt vời hơn một nội dung hay, chất lượng lại biết lồng ghép hoặc tôn vinh chính những sự kiện nóng đang được xã hội quan tâm đúng không?
5. Dự đoán tương lai
Mục tiêu của hầu hết những người sáng tạo nội dung sau khi vượt qua những chướng ngại ban đầu là trở thành một chuyên gia trong ngành của mình. Tuy nhiên, một chuyên gia thì không chỉ tạo ra nội dung tuyệt vời mà còn là người mở đường cho sự đổi mới.
Thực tế là khi trở thành một trong những chuyên gia hiểu biết hơn trong lĩnh vực của mình, bạn hoàn toàn dự đoán được những thay đổi nhất định trong ngành trong tương lai, từ đó đi sớm hơn những người khác. Có 2 phương pháp phục vụ cho việc này:
- Tận dụng: Tận dụng loạt nội dung khác nhau về 1 chủ đề mà bạn từng sản xuất như 1 nguồn tài liệu nghiên cứu – để phục vụ cho 1 nội dung khác, có phạm vi lớn và độc đáo hơn.
- Nghiên cứu sự phát triển: Tổng hợp và nghiên cứu sự phát triển của thông tin theo chủ đề quan tâm, từ đó dự đoán xem liệu chủ đề ấy sẽ tạo được hiệu ứng như thế nào khi biến thành ý tưởng nội dung và bắt tay vào thực hiện sớm hơn người khác.
Theo FB Phương Hiền Nguyễn