Trong suốt nhiều thập kỷ, công nghệ ứng dụng trong ngành tài chính ngân hàng đã phát triển vũ bão trên phạm vi toàn cầu. Những năm gần đây, có rất nhiều các công ty khởi nghiệp trong mảng tài chính nhằm ứng dụng công nghệ để tạo nên những kết quả vượt trội trong mảng tài chính – họ là những start-up về fintech, đây cũng chính là một xu hướng tất yếu của thị trường, nó như 1 cuộc cách mạng kỹ thuật số có thể thay đổi cách thức kinh doanh trong ngành tài chính ngân hàng ở cấp độ vĩ mô.
Thực vậy, ngày nay tại Việt Nam hầu như trên mỗi smartphone cũng có ít nhất 1 ứng dụng fintech, không thể không thừa nhận sự tiện lợi, mang lại trải nghiệm nhanh chóng, dễ dàng tương tác dựa trên công nghệ số. Và theo số liệu từ WorldBank cũng như là từ Diễn đàn kinh tế Thế giới thì tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực fintech trung bình 19% mỗi năm, fintech như đang thổi luồng gió mới bằng cách bổ sung những hạn chế về sản phẩm, dịch vụ, … cho khách hàng thông qua việc hợp tác với các ngân hàng – kể cả ngân hàng truyền thống và các ngân hàng kiểu mới (digital bank, neo bank).
1. FINTECH LÀ GÌ?
Fintech (viết tắt của financial technology) tạm dịch là công nghệ tài chính, là một ngành công nghiệp tài chính mới áp dụng công nghệ để cải thiện hoạt động tài chính; là các ứng dụng mới, quy trình, sản phẩm hoặc mô hình kinh doanh trong ngành dịch vụ tài chính bao gồm một hoặc nhiều dịch vụ tài chính bổ sung và được cung cấp như là một quá trình kết thúc thông qua Internet. Có nghĩa rằng fintech không chỉ là việc sử dụng công nghệ – đặc biệt là công nghệ trực tuyến để trực tuyến hóa những giao dịch tài chính mang tính truyền thống như thanh toán trực tuyến, giao dịch chứng khoán trực tuyến … mà còn bao gồm những giải pháp công nghệ mới cho ngành tài chính ngân hàng.
Thậm chí ở 1 số góc nhìn nhất định thì fintech đang chuyển hóa ngân hàng trở thành đâu đó là 1 công ty công nghệ, như bà Chung Sok Hui – CFO của ngân hàng DBS – Ngân hàng Kỹ thuật số tốt nhất thế giới (The world’s best digital bank) được bình chọn bởi Euromoney, The Banker và Global Finance đã nói:
“CHÚNG TÔI KHÔNG CHỈ LÀ MỘT NGÂN HÀNG. CHÚNG TÔI TRỞ THÀNH CÔNG TY CÔNG NGHỆ ”
(tạm dịch: Chúng tôi không chỉ là 1 ngân hàng. Chúng tôi đã & đang trở thành 1 công ty công nghệ)
2. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN CỦA FINTECH
Như đã định nghĩa fintech ở trên thì với tiêu chí đó chúng ta có thể thấy lịch sử hình thành & phát triển của fintech và kéo theo là ngân hàng số từ lúc bắt đầu cho đến nay đã trải qua hơn 100 năm. Chúng ta cùng điểm lại 1 số cột mốc hình thành & phát triển của fintech trên thế giới:
- 1918: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ra mắt Fed Wire – mạng chuyển tiền vô tuyến liên bang – đây có thể là cột mốc đầu tiên trên thế giới đánh dấu việc sử dụng công nghệ để phục vụ cho ngành tài chính nhằm giúp cho việc chuyển tiền/thanh toán được diễn ra gần như tức thì & hiệu quả trong vòng vài phút.
- 1966: Ngân hàng Barclays (Anh) ra mắt thẻ ghi nợ (debit card) đầu tiên trên thế giới.
- 1967: Ngân hàng Barcays (Anh) khai trương máy rút tiền (ATM) đầu tiên trên thế giới tại Enfield (Anh).
- 1971: NASDAQ được thành lập bới Hiệp hội Nhà đầu tư chứng khoán Mỹ & là sàn giao dịch chứng khoán điện tử đầu tiên trên thế giới.
- 1973: Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (tiếng Anh: Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunications; viết tắt là SWIFT) giúp các ngân hàng trên thế giới là thành viên của SWIFT chuyển tiền cho nhau hoặc trao đổi thông tin được chuẩn hóa dưới dạng trường dữ liệu, ký hiệu để máy tính có thể nhận biết & tự động xử lý giao dịch.
- 1981: Michael Bloomberg cùng với C. Zegar, T. Secunda, D. MacMilla cùng nhau tạo ra IMS – Innovative Market Systems (tạm dịch: Hệ thống đổi mới sáng tạo thị trường), đã tạo ra 1 thiết bị đầu cuối với phần mềm và bàn phím chuyên dụng giúp việc giao dịch cổ phiếu, truy cập thông tin thị trường được nhanh chóng & thuận tiện hơn. Sau này IMS được đổi tên thành Bloomberg LP (1986) – đây được công nhận là 1 cuộc cách mạng tại phố Wall, đến mức nhiều chuyên gia tài chính hàng đầu đã thừa nhận rằng: Không có Bloomberg đã không có phố Wall như ngày nay.
- 1993: từ FINTECH lần đầu tiên ra mắt công chúng, là tên viết tắt ban đầu của Financial Services Technology Consortium (FSTC – tạm dịch: Liên minh Công nghệ Dịch vụ Tài chính) – được ra mắt bởi Citicorp (tiền thân của Citigroup) – bất ngờ chưa, từ fintech chẳng phải đươc nhắc tới lần đầu bởi bất kỳ lập trình viên hay nhà đầu tư công nghệ nào cả mà là từ 1 định chế tài chính. Cùng lúc với việc Citi tham gia Diễn dàn Smart Card thì FSTC ra đời có nhiệm vụ là giúp các thành viên hợp tác về các khía cạnh kỹ thuật và kinh doanh dựa trên công nghệ để họ có thể nhanh chóng mang lại những đổi mới về dịch vụ và chất lượng nhằm gần hơn với thị trường và với khách hàng, đồng thời cạnh tranh với nhau dựa trên nền tảng các nguyên tắc cơ bản về công nghệ được chia sẻ.
- 1994: Stanford Federal Credit Union trở thành tổ chức tài chính đầu tiên cung cấp các dịch vụ tài chính thông qua internet cho tất cả khách hàng.
- 1997: Thanh toán di động đầu tiên trên thế giới ra đời & cũng thật bất ngờ là sáng kiến này không phải do tổ chức tài chính nào cả mà là từ Coca-Cola – họ đã có phát kiến cho người tiêu dùng thanh toán thông qua tin nhắn điện thoại để mua nước tại máy bán hàng tự động.
- 1998: Paypal ra đời với tên đầu tiên là Confinity
- 2001: Yodlee ra mắt tính năng tổng hợp tài khoản đầu tiên tại Mỹ sử dụng công nghệ máy chủ
- 2007: Apple cho ra mắt iPhone, có vẻ là không liên quan nhưng đây cũng được xem là cột mốc cực kỳ quan trọng của điện thoại thông minh – thiết bị có vai trò cực kỳ thiết yếu của cả 1 ngành công nghiệp.
- 2008: Công ty M-service (thành lập 2007) được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động liên quan tới lĩnh vực thanh toán – đây là 1 trong những fintech đầu tiên tại Việt Nam & được biết dưới tên Ví MoMo.
- 2009: Bitcoin v1.0 ra đời.
- 2011: Ứng dụng ngân hàng đầu tiên trên thế giới dùng cho điện thoại thông minh ra đời tại Anh bởi First Direct (không lâu sau đó là NatWest). Cùng năm 2011 thì Google cho ra mắt ví điện tử Google.
- 2014: Ant Financial ra đời (tiền thân là AliPay), cùng năm Apple cho ra đời Apple Pay.
- 2016: Chương trình đào tạo & cấp chứng chỉ về fintech đầu tiên trên thế giới ra đời.
3. TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG FINTECH THẾ GIỚI & VIỆT NAM
Như chúng ta đã biết thì công ty fintech lớn nhất thế giới hiện nay đang ở Trung Quốc – Ant Financial – có định giá khoảng 150 tỷ usd. Tuy nhiên, fintech thế giới không phải chỉ xoay quanh mỗi Ant Financial mà trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 12.000 công ty fintech – hầu hết trong đó đều là các start-up – và tổng giá trị của thị trường fintech thế giới theo số liệu từ Goldman Sachs là 4.700.000.000.000 usd (bằng chữ: bốn ngàn bảy trăm tỷ đô la Mỹ).
Ngoài ra, còn 1 số các số liệu khác như có khoảng 50% các công ty fintech đồng ý rằng blockchain & AI là những công nghệ đáng để đầu tư, hoặc có khoảng gần 30% dân số thế giới đã cực kỳ quen thuộc với công nghệ blockchain.
Đó là 1 vài số liệu của thị trường thế giới, còn số liệu ở Việt Nam thì thế nào? Theo báo cáo về thị trường Fintech Việt Nam 2020 được phát hành ngày 05/07/2021 của Statista thì:
- Trong gần 10 năm qua (2012-2020), các công ty khởi nghiệp về fintech tại Việt Nam tăng rất nhanh chóng, từ 33 công ty vào năm 2012 thì đến hết 2020 toàn thị trường Việt Nam đã có 141 công ty trong lĩnh vực fintech; trong đó top 3 lĩnh vực mà các công ty fintech tại Việt Nam lựa chọn là: thanh toán kỹ thuật số (digital payment – chiếm 31% số lượng), cho vay ngang hàng (p2p lending – chiếm 17%) & 13% số lượng chọn lĩnh vực hoạt động là chuỗi khối (blockchain)/tiền mã hóa (crypto-currency). Tỷ trọng các lĩnh vực hoạt động từ số liệu của Statista này khá tương đồng với số từ báo cáo Vietnam Fintech report 2020 – Fintech Singapore 2020 đưa ra với chênh lệch không đáng kể, với lần lượt digital payment là 33%, p2p lending là 15,5% và blockchain/crypto-currency là 13%.
Số lượng các công ty fintech tại Việt Nam từ 2012 – 2020
(Nguồn biểu đồ: báo cáo Fintech in Vietnam của Statista)
- Với số lượng áp đảo các công ty lựa chọn hoạt động trong lĩnh vực thanh toán (thì không có gì lạ khi digital payment chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng giá trị giao dịch thông qua các nền tảng fintech. Chúng ta có thể điểm lại 1 vài số liệu về vấn đề này:
- Tổng giá trị giao dịch qua nền tảng fintech tại Việt Nam năm 2020 là gần 13 tỷ usd (12,822 tỷ usd) thì digital payment chiếm hơn 90% với 11,607 tỷ usd – trong đó có 9,985 tỷ usd được thanh toán cho digital commerce (chiếm 86% của digital payment)
- Dự kiến tổng giá trị giao dịch qua fintech đến hết 2021 là gần 17 tỷ usd (16,858 tỷ usd) thì digital payment chiếm gần 90% với giá trị giao dịch là 15,071 tỷ usd – trong đó có 12,922 tỷ usd được dùng thanh toán cho digital commerce (chiếm hơn 85% của digital payment)
- Và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng trưởng gần gấp đôi 2021 đạt tổng giá trị giao dịch qua fintech là gần 32 tỷ usd (31,898 tỷ usd) và digital payment chiếm hơn 82% giá trị với 26,378 tỷ usd – trong đó dự kiến 22,056 tỷ usd được dùng thanh toán cho digital commerce (chiếm hơn 83% của digital payment).
Giá trị giao dịch của fintech tại Việt Nam từ 2017 – 2025
(Nguồn biểu đồ: báo cáo Fintech in Vietnam của Statista)
Giá trị giao dịch của mảng thanh toán điện tử tại Việt Nam từ 2017 – 2025
(Nguồn biểu đồ: báo cáo Fintech in Vietnam của Statista)
- Tuy nhiên theo số liệu từ Tổng cục thống kê và cả Ngân hàng nhà nước thì có đến gần 90% các giao dịch hiện nay – bao gồm cả thanh toán cho các giao dịch trên sàn thương mại điện tử – tại Việt Nam được thanh toán bằng tiền mặt thì tiềm năng thị trường dành cho digital payment nói riêng & cho fintech, digital banking nói chung tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển – nếu không muốn nói là cực kỳ nhiều.
4. NHỮNG THÀNH PHẦN CẦN CÓ TÁC ĐỘNG ĐỂ TẠO RA MÔI TRƯỜNG FINTECH PHÁT TRIỂN & CÁC MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC NỀN TẢNG FINTECH
Với tiềm năng phát triển còn rất nhiều như đã nêu ở trên nhưng để các nền tảng fintech phát triển, cũng như hỗ trợ cho các hoạt động khác trong thị trường – bao gồm hợp tác và hỗ trợ cho các định chế tài chính thì còn cần có sự tham gia và hỗ trợ của các bên:
- Người dùng: như một lẽ tất nhiên của bất kỳ sản phẩm nào, để phát triển cũng cần có người dùng. Khách hàng của các bên fintech bao gồm cả người dùng thông thường (người dùng cuối) hoặc là các định chế tài chính (ngân hàng, công ty tài chính …), thậm chí là cả các cơ quan quản lý tài chính của nhà nước cũng có thể là khách hàng của các bên fintech – tuy nhiên các người dùng cuối vẫn là bên hưởng lợi nhiều nhất từ sự phát triển của fintech. Ngoài ra với thị trường tại Việt Nam hiện nay có gần 97 triệu người dùng hầu hết là dân số trẻ với hơn 70% là có điện thoại thông minh (theo số liệu We are Social), và theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước thì có hơn 65% dân số hiện nay chưa có tài khoản ngân hàng thì Việt Nam rõ là 1 thị trường còn nhiều tiềm năng phát triển và là mảnh đất màu mỡ cho fintech.
- Cơ quan quản lý tài chính của nhà nước: theo như báo cáo The 2nd wave of fintech disruption 2021 của Indus Technology thì bên hưởng lợi nhất từ tiện ích mà công nghệ mang lại, từ sự cạnh tranh lẫn hợp tác giữa các công ty công nghệ & các định chế tài chính là khách hàng cuối. Tuy nhiên, để việc cạnh tranh & hợp tác diễn ra phù hợp, đồng thời để tạo ra sân chơi lành mạnh, công bằng cho cả các bên tham gia và cả người dùng cuối thì cần phải có môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch và để được như vậy thì không thể thiếu sự tham gia của các cơ quan quản lý tài chính của nhà nước (ví dụ như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước …)
- Các định chế tài chính: ở đây chính là các ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm, chứng khoán … Các định chế tài chính này cần thiết phải nhận thấy tầm quan trọng của công nghệ, của việc chuyển đổi số là xu hướng tất lẽ dĩ ngẫu – đặc biệt là sự thay đổi hành vi người dùng một cách rõ rệt dưới tác động của đại dịch covid19, nên việc hợp tác với các nền tảng fintech là việc nên làm & phải làm càng nhanh càng tốt, thậm chí để mở rộng thị phần hoặc có lợi thế cạnh tranh vượt trội thì các định chế tài chính cũng nên trực tiếp đầu tư vào các bên fintech hoặc tự nghiên cứu để sở hữu những công nghệ mới cho chính họ trước các đối thủ khác.
- Các nền tảng fintech & các công ty công nghệ: đây chính là các công ty công nghệ cung cấp các sản phẩm, giải pháp tài chính – họ chính là một trong những tác nhân chính trong việc tác động tạo ra môi trường fintech phát triển cho chính họ.
Với các thành phần cần có tối thiểu để tác động và tạo ra môi trường cho fintech phát triển thì các nền tảng fintech hoạt động ra sao, theo mô hình nào? Theo như báo cáo của Synergy and Disruption của McKinsey thì các nền tảng fintech hiện nay được chia thành 4 loại hình hoạt động như sau:
- Là 1 bên độc lập: đây có thể là các công ty fintech cũ hoặc là những start-up mới gia nhập thị trường. Họ sử dụng công nghệ tạo ra 1 sản phẩm đáp ứng 1 nhu cầu cụ thể nhất định hoặc sản phẩm tài chính đáp ứng cho 1 nhóm khách hàng nhất định (tập khách hàng ngách). Thách thức với mô hình này là chi phí tìm kiếm khách hàng thường khá cao nhưng bù lại khách hàng có xu hướng trung thành với sản phẩm vì đơn giản là có cực ít các bên có thể cung cấp các sản phẩm như vậy.
- Là 1 phần của hệ sinh thái thuộc công ty công nghệ lớn: đây là các nền tảng fintech vừa cung cấp các dịch vụ tài chính mà một phần cũng là để giúp nâng cao trải nghiệm người dùng, từ đó tạo thêm doanh thu từ dữ liệu người dùng. Ví dụ như ShopeePay với sàn TMĐT Shopee, ZaloPay với hệ sinh thái Zalo, ViettelPay với Viettel hoặc Moca với Grab …
- Là 1 bên có sự đầu tư của các định chế tài chính: với các bên này thì các định chế tài chính đầu tư vào công nghệ để từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh, cải thiện hiệu suất nội bộ, phục vụ các chiến lược dài hạn … thậm chí là để dễ dàng nắm bắt các cơ hội đầu tư lẫn hợp tác.
- Là 1 bên chuyên cung cấp cơ sở hạ tầng: đơn giản các công ty theo hình thức này chỉ là 1 bên cung cấp cơ sở hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi số của các định chế tài chính.
Vậy thì fintech có thể hỗ trợ người dùng & cả các ngân hàng trong những việc gì?
Phạm vi hoạt động cũng như những dịch vụ của fintech cung cấp khá rộng, bao gồm các mảng sau: thanh toán (digital payment), quản lý tài sản (wealth management), cho vay ngang hàng (p2p lending), gọi vốn cộng đồng (crowfunding), đầu tư/giao dịch tự động (robot trading), công nghệ bảo hiểm (insurtech), công nghệ quản lý qui trình pháp lý tài chính (regtech), … thậm chí có cả trong công nghệ chuỗi khối (blockchain) & tiền mã hóa (crypto-currency).
Nguyễn Đức Vũ – Simple Page
# Nguồn: Võ Quốc Hưng/DigimarkVN