Nếu những sàn thương mại điện tử thường sử dụng cookies để theo dõi hành vi mua sắm của người tiêu dùng, các cửa hàng offline không thể theo dõi khách hàng theo phương thức ấy. Cô chủ tiệm tạp hoá không thể nào đọc được lịch sử duyệt web của bạn! Thế nhưng, mô hình O2O đã giải quyết vấn đề này khi để người tiêu dùng thanh toán trực tuyến. Bước phát triển này giúp người bán dễ dàng thu thập hành vi mua sắm của người dùng, kể cả khi họ giao dịch offline.
Mục lục bài viết
- Mô hình kinh doanh O2O truyền thống
- Những tiến bộ trong kỷ nguyên số và giải pháp O2O 2.0
- Ứng dụng của cảm biến (sensor) và điện thoại thông minh trong mô hình O2O
- Cảm biến và máy ghi hình: Amazon Go – siêu thị không người bán
- Điện thoại thông minh: Dent Reality – mua sắm với công nghệ thực tế ảo
- Tạm kết
Mô hình kinh doanh O2O truyền thống
O2O (Online-to-Offline), được gọi tên lần đầu tiên vào năm 2010 bởi Alex Rampell, là mô hình mà doanh nghiệp sử dụng công cụ trực tuyến để thu hút người tiêu dùng đến cửa hàng thực tế. Về cơ bản, mô hình O2O là sự tích hợp các phương thức thanh toán, tạo điều kiện để người bán dễ dàng quản lý lưu lượng khách hàng dễ dàng hơn.
Những tiến bộ trong kỷ nguyên số và giải pháp O2O 2.0
Mười năm trước, khi Alex Rampell gọi tên mô hình O2O, hẳn ông cũng không thể nào tiên đoán được sự phát triển vượt bậc của xu hướng này chỉ trong vòng một thập kỷ. Đặc biệt tại Trung Quốc, thị trường O2O nở rộ với những doanh nghiệp tiên phong như Groupon, Restaurant.com, OpenTable…
Chính môi trường năng động này đã tạo tiền đề cho phiên bản nâng cấp “O2O 2.0” ra đời. Giờ đây, các doanh nghiệp không chỉ dùng công cụ trực tuyến để thuyết phục người tiêu dùng mua hàng, mà còn có thể cập nhật dữ liệu ở cửa hàng thực tế vào hệ thống, nhằm mang đến trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng. Với sự hỗ trợ của các công cụ tiên tiến, việc khách đến cửa hàng, thử một đôi giày nhưng không mua sẽ được ghi lại, dễ dàng như việc trang thương mại điện tử theo dõi khách hàng thêm một món đồ vào giỏ mua sắm rồi xoá đi.
Trung Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến để hỗ trợ cho mô hình kinh doanh O2O 2.0.
Tại một số siêu thị Walmart ở Trung Quốc, khách hàng dễ dàng mua sắm và tự quét mã vạch để thanh toán cho món hàng của mình bằng ứng dụng Wechat. Điều đáng chú ý là, hình thức thanh toán này cho phép Walmart đọc được lịch sử mua sắm của khách hàng, món đồ mà họ yêu thích, sản phẩm họ đã bỏ qua… để đẩy mạnh quảng bá khuyến mãi. Sau khi mua hàng, người tiêu dùng sẽ liên tục được quảng cáo về ưu đãi của các sản phẩm họ đã mua trong quá khứ.
Cùng với sự phát triển của O2O 2.0, mọi hành vi trực tuyến của người tiêu dùng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm offline của họ, và ngược lại.
Ứng dụng của cảm biến (sensor) và điện thoại thông minh trong mô hình O2O
Ngày nay, người tiêu dùng có thể “đăng nhập” vào cửa hàng dễ dàng như “log in” vào một trang mạng xã hội. Những gian hàng offline đang tận dụng ưu thế này của mô hình O2O để chống chọi với cơn khủng hoảng cửa hiệu bán lẻ. Và điều hiển nhiên là đằng sau thành công của mô hình này là đóng góp không nhỏ của các công nghệ tiên tiến như cảm biến và điện thoại thông minh.
Cảm biến và máy ghi hình: Amazon Go – siêu thị không người bán
Tại cửa hàng Amazon Go (Seattle, Mỹ), khách hàng có thể thoải mái lựa chọn sản phẩm, cho vào giỏ hàng và… đi về mà không cần xếp hàng thanh toán. Người tiêu dùng chỉ phải scan mã vạch một lần duy nhất ở lối vào, sau đó có thể mua sắm và đi ra khỏi cửa hiệu mà không phải dừng lại để trả tiền.
Vậy bí mật đằng sau siêu thị “không tưởng” này là gì? Đấy chính là hệ thống máy ghi hình bố trí dày đặc khắp trên trần nhà. Hệ thống này cho phép siêu thị nhận dạng khuôn mặt của người dùng và kết nối ngoại hình với hồ sơ cá nhân được quét ở cửa. Bên cạnh đó, trên mỗi quầy hàng đều được lắp đặt cảm biến để xác định khách hàng nào, đã lấy những món gì xuống khỏi kệ.
Chuỗi cảm biến và máy ghi hình này cho phép Amazon hiểu được khách hàng đã mua – và đã không mua những món hàng nào, từ đó điều chỉnh chiến lược quảng bá cho phù hợp. Công nghệ này chính là giải pháp lý tưởng cho các doanh nghiệp với mô hình O2O để thay đổi hành vi người dùng tại cửa hàng bằng dữ liệu online.
Điện thoại thông minh: Dent Reality – mua sắm với công nghệ thực tế ảo
Điện thoại thông minh đã trở thành một phần không thể thiếu của con người ngày nay, và hiển nhiên chiếc điện thoại đóng vai trò không nhỏ trong quá trình mua sắm. Trong thời đại kỹ thuật số, điện thoại không chỉ giúp người tiêu dùng mua sắm qua mạng, mà còn hỗ trợ khách hàng khi họ ghé thăm quầy bán trực tiếp. Chính vì thế, một trong những công nghệ không thể bỏ qua chính là điện thoại thông minh và những ứng dụng đa dạng đi kèm.
Năm 2018, công ty phần mềm Dent Reality đã ra mắt ứng dụng thực tế ảo hỗ trợ khách hàng khi mua sắm. Người dùng chỉ cần quét mã vạch của món hàng bằng điện thoại, ứng dụng này sẽ hiển thị thông tin sản phẩm, giá tiền và thậm chí là… món ăn kèm phù hợp. Ứng dụng đến từ Dent Reality còn “dẫn đường” để người dùng tìm đến quầy hàng có chứa món ăn được gợi ý.
Ứng dụng này vô cùng tiện lợi, đặc biệt đối với những trung tâm mua sắm có diện tích lớn. Nhưng trên hết, sự tích hợp các công cụ điện tử vào quá trình mua sắm trực tiếp chính là tiền đề để các doanh nghiệp quản lý hiệu quả hơn những hoạt động diễn ra trong cửa hàng.
Tạm kết
Ngày nay, ranh giới giữa “cuộc sống trên mạng” và “cuộc sống đời thường” dường như đã không còn quá rõ ràng, bởi lẽ con người đã gắn bó mật thiết với công nghệ trực tuyến. Trong bối cảnh thị trường biến động do cơn khủng hoảng sức khỏe COVID-19, không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc sống “Bình thường mới” này chính là điều kiện thuận lợi các để thương hiệu tận dụng nguồn dữ liệu và đẩy mạnh doanh thu bán hàng với giải pháp O2O 2.0.
Thảo Nhi – Simple Page
Nguồn bài viết: Advertisingvietnam