Một nghiên cứu của Luxe Digital đã xếp hạng 15 thương hiệu cao cấp phổ biến nhất trên mạng hiện nay dựa vào 4 yếu tố: lượng tìm kiếm trên Internet, lượng truy cập website, người theo dõi trên mạng xã hội và mức độ tương tác của người dùng.
Cùng nhìn lại 5 xu hướng truyền thông kỹ thuật số tạo nên sự phổ biến trực tuyến của các thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới trong một năm biến động vừa qua.
1. Tiếp thị đa kênh là tất yếu
Trước thực trạng khách hàng không còn được trải nghiệm và lựa chọn sản phẩm tại các cửa hàng do đại dịch, các thương hiệu xa xỉ phải “chi” mạnh tay để nâng cấp kênh bán lẻ trực tuyến. Giao diện website đẹp mắt, quá trình thanh toán đơn giản, an toàn sẽ đảm bảo người dùng có thể mua sắm thật trơn tru từ mọi vùng miền, trên mọi thiết bị.
Đến cả những thương hiệu “bảo thủ” nhất như Hermes hay Givenchy cũng phải thử nghiệm các công cụ và định dạng tiếp thị mới để tăng khả năng hiển thị và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm trực tuyến đa kênh của người tiêu dùng.
Giao diện website trên các thiết bị khác nhau của Gucci, thương hiệu đứng đầu BXH
Bên cạnh đó, công nghệ tương tác thực tế ảo (Augmented Reality) và trải nghiệm đắm chìm (Immersive Experience) cũng được các thương hiệu tận dụng, từ các phòng trưng bày và sàn diễn ảo đến phát trực tiếp (livestream), trải nghiệm thử đồ ảo (virtual fitting) và mua sắm sản phẩm 3D.
Đứng ở vị trí số 2, Chanel đã có một năm thành công nhờ linh hoạt đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến đa kênh của tệp khách hàng cao cấp.
2. Mạng xã hội tiếp tục giữ vai trò quan trọng
Mạng xã hội không còn là công cụ xa lạ để thương hiệu quảng bá hình ảnh và tiếp cận khách hàng. Không phải thương hiệu nào cũng tập trung phát triển thương hiệu của mình trên các nền tảng này, như trường hợp Bottega Veneta rút khỏi mạng xã hội vừa qua.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, xây dựng hình ảnh thương hiệu và đẩy mạnh tương tác với khách hàng trên các phương tiện truyền thông xã hội vẫn là chìa khóa để các thương hiệu kết nối với khách hàng thuộc phân khúc cao cấp, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ở vị trí số 3, 4 và 5 là các thương hiệu Hermes, Dior và Louis Vuitton với lần lượt 10.7 triệu, 36.1 triệu và 44.4 triệu người theo dõi trên Instagram.
Instagram duy trì vị trí dẫn đầu trên mạng xã hội về số lượng người tiêu dùng xa xỉ phẩm. Tại Trung Quốc, WeChat và Weibo là nền tảng để người tiêu dùng thuộc nhiều lứa tuổi bàn luận về các chủ đề nóng, trong khi RED và Douyin (Tik Tok) là cầu nối với khách hàng trẻ.
Các thương hiệu phụ kiện xa xỉ Rolex và Tiffany hạ cánh ở vị trí số 6 và 7.
3. Những màn hợp tác gây “sốt”
Gucci x The North Face, Prada x adidas, Louis Vuitton x NBA, Dior x Nike,… năm 2020 ghi nhận những cái bắt tay đầy bất ngờ giữa các thương hiệu lớn. Hơn 5 triệu “sneakerhead” đã đăng ký để có cơ hội mua đôi giày giới hạn “Air Dior” ngay khi có thông báo phát hành, khẳng định xu hướng này vẫn sẽ giữ được sức nóng của mình trong tương lai gần.
Ở vị trí số 8, Prada đã có một năm thành công và để lại nhiều điểm nhấn, trong đó có cái bắt tay đầy bất ngờ với thương hiệu đồ thể thao adidas.
Từ phải sang: Versace (#9) hợp tác cùng các tên tuổi lớn như Jennifer Lopez, Kendall Jenner, Gigi Hadid…, còn Armani (#10) đã ra mắt BST mới với thương hiệu MR PORTER
4. Cuộc gặp gỡ giữa thời trang và game là xu hướng mới
Sự giao thoa của của thời trang và game là một trong những cách để thương hiệu cao cấp kết nối với người tiêu dùng Millennial và Gen Z. Không chỉ góp phần kể câu chuyện thương hiệu và thúc đẩy tương tác với người dùng, game và thể thao điện tử (esports) đang dần trở thành một kênh bán lẻ mang lại nguồn thu không nhỏ cho các nhãn hàng xa xỉ phẩm.
Trang phục của Valentino (#11) trong trò chơi gây “sốt” vào năm ngoái Animal Crossing.
Valentino đã thiết kế những bộ trang phục ảo cho hàng triệu người chơi Animal Crossing: New Horizons. Balenciaga thậm chí đã cho ra mắt bộ sưu tập Thu / Đông 2021 mới của họ thông qua trò chơi điện tử trực tuyến Afterworld: The Age of Tomorrow. Các thương hiệu lớn khác như Gucci, Burberry, Louis Vuitton,… cũng đã nhanh chóng đón đầu xu hướng này.
Balenciaga (#12) ra mắt BST Thu / Đông 2021 qua trò chơi Afterworld: The Age of Tomorrow
Burberry (#14) x Honor of Kings – một trong những trò chơi phổ biến nhất tại Trung Quốc với hơn 100 triệu người dùng hàng tháng.
5. Phát triển bền vững là yếu tố không thể thiếu của thương hiệu
Người tiêu dùng nói chung và tệp khách hàng cao cấp nói riêng đang ngày một quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các nỗ lực phát triển bền vững của thương hiệu cũng được người tiêu dùng giám sát chặt chẽ hơn, đòi hỏi sự minh bạch về quy trình và sản phẩm, đồng thời đưa ra những sáng kiến mới nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường và cộng đồng.
Tháng 6/2020, Gucci cho ra mắt dòng phụ kiện và thời trang đường phố đầu tiên sản xuất từ vật liệu tái chế, tiếp đó hợp tác chính thức với TheRealReal – một nền tảng kinh doanh đồ hiệu xa xỉ đã qua sử dụng, nhằm thể hiện nỗ lực của nhà mốt trong việc bảo vệ môi trường. Đến cả Hermès – thương hiệu nổi tiếng với chất liệu da cao cấp, cũng có những bước tiến đầu tiên của mình với việc sản xuất chiếc túi Victoria phiên bản vegan (không sử dụng nguyên liệu từ động vật) làm từ Sợi nấm mịn.
Hãng trang sức cao cấp Cartier (#13) cam kết sử dụng 100% năng lượng điện tái tạo vào năm 2025 và chỉ sử dụng kim cương và đá quý từ các đối tác đạt chứng nhận của Hội đồng Trang sức Có trách nhiệm (Responsible Jewellery Council).
Thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ Omega (#15) đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời Solar Impulse; đóng góp doanh thu từ một số mẫu đồng hồ Seamaster cho tổ chức GoodPlanet Foundation và là nhà tài trợ chính cho bệnh viện mắt Orbis từ năm 2011.
Thảo Nhi – Simple Page
Nguồn bài viết: Advertisingvietnam