Sử dụng công cụ Google Tag Manager cho phép bạn dễ dàng cập nhật và quản lý các thẻ trong website. Nói rõ hơn, công cụ này là quan trọng nhất trong việc đo lường website vì nó giúp kết hợp các nền tảng tracking và quảng cáo khác nhau. Bài viết sau sẽ hướng dẫn bạn cách chèn code Google Tag Manager vào những nền tảng web thông dụng nhất.
Mục lục bài viết
- Google Tag Manage là gì?
- Cách tạo và lấy code Google Tag Manager
- Cách chèn mã Google Tag Manager vào landing page Simple Page
- Cách chèn Google Tag Manager vào web Haravan
- Cách thêm Google Tag Manager vào website WordPress
- Cách thêm mã Google Tag Manager vào website code tay
- Cách kiểm tra mã Google Tag Manager đã hoạt động hay chưa?
- Các sai lầm hay mắc phải khi chèn mã Google Tag Manager
- Dùng Google Tag Manager để đo lường như thế nào?
Google Tag Manage là gì?
Hãy hiểu Google Tag Manager như một vùng chứa. Nó sẽ chứa tất cả code tracking của các nền tảng khác nhau như Google Analytics, Google Ads, Facebook Pixel. Và thay vì bạn phải vào sửa mã nguồn website để chèn cho mỗi nền tảng thì bây giờ bạn chỉ cần chèn Google Tag Manager vào website của bạn. Sau đó bạn có thể chèn và chỉnh sửa các code tracking khác ngay trong giao diện quản lý của Google Tag Manager. Tránh được việc động đến mã nguồn website có thể làm hỏng website của bạn.
Google Tag Manager có làm nặng website không?
Không đáng kể, thậm chí khi bạn dùng Google Tag Manager để chứa các code khác của Google như Google Analytics và Google Ads thì nó càng gọn nhẹ hơn việc bạn chèn trực tiếp code vào mã nguồn website.
Nếu chèn code tracking vào website rồi chèn thêm vào Tag Manager có sao không?
Sẽ bị trùng lặp, các số liệu có thể bị nhân đôi lên trong báo cáo của bạn. Vì thế code tracking nào đã chèn vào mã nguồn website rồi thì không cần chèn vào Google Tag Manager nữa. Bạn có thể xóa bỏ hết các code tracking trong mã nguồn website rồi thêm lại vào Google Tag Manager để dễ quản lý.
Cách tạo và lấy code Google Tag Manager
Nếu bạn chưa từng sử dụng qua Google Tag Manager thì hãy tìm hiểu cách tạo một tài khoản Tag Manager và lấy code của nó nhé.
Tạo vùng chứa Google Tag Manager
Bước 1: Bạn truy cập vào tagmanager.google.com rồi nhấp nút Tạo tài khoản.
Bước 2: Bạn điền thông tin đầy đủ rồi nhấp nút Có.
- Tên tài khoản: Tên thương hiệu hoặc website của bạn.
- Quốc gia: Việt Nam.
- Tên vùng chứa: Tên thương hiệu hoặc website của bạn.
- Nền tảng nhắm mục tiêu: Web.
Bước 3: Bạn tích vào Tôi cũng chấp nhận Điều khoản xử lý dữ liệu theo yêu cầu của GDPR. Rồi nhấp nút Có ở trên.
Bước 4: Sau khi tạo vùng chứa Tag Manager xong bạn hãy nhấp Gửi để nó hoạt động.
Bước 5: Bạn không cần điền gì cả, hãy nhấp vào Xuất bản ở trên.
Bước 6: Bạn không cần điền gì cả, hãy nhấp vào chữ Tiếp tục bên dưới.
Đợi vài giây Google Tag Manager sẽ xuất bản xong. Sau đó bạn nhấp vào tab Không gian làm việc (ngay bên dưới logo Tag Manager) để tiếp tục lấy code nhé.
Lấy code Google Tag Manager
Trong tab Không gian làm việc của Google Tag Manager, bạn nhấp vào mã ID sẽ nhận được 2 đoạn code. Để bài viết dễ hiểu hơn, mình sẽ đặt tên cho chúng như sau:
- Code A: Là đoạn code chèn vào giữa <head> và </head> của website.
- Code B: Là đoạn code chèn vào giữa <body> và </body> của website.
Cách chèn mã Google Tag Manager vào landing page Simple Page
Lúc này Tag manager sẽ cung cấp cho bạn 2 đoạn mã để chèn vào thẻ <head> và <body> của website.
Đây là Google Tag Manager ID. Bạn hãy sao chép đoạn ký tự bắt đầu bằng GMT-xxxxxxx.
Sau đó bạn tìm đến phần dự án cần cài mã Google Tag Manager > Hành động > Gắn mã Analytics
Sau đó dán mã Google Tag Manager ID vào và nhấn cập nhật
Sau đó nhớ lưu lại Cập nhật nhé.
Vậy là bạn đã hoàn tất gắn mã Google Tag Manager cho trang landing page rồi đó!
Cách chèn Google Tag Manager vào web Haravan
Ở Việt Nam thì Haravan cũng rất phổ biến, và đây là 2 bước để chèn Tag Manager vào Haravan dễ đến không ngờ.
Bước 1: Bạn đăng nhập vào trang quản trị của Haravan, sau đó vào phần Website và Giao diện. Ở phần giao diện bạn đang sử dụng, bạn nhấp vào nút 3 chấm và chọn Chỉnh sửa code.
Bước 2: Bạn tìm trong thư mục Layouts, nhấp vào theme.liquid để chỉnh sửa. Bạn chèn code A vào trước </head> và code B vào sau <body> như hình bên dưới. Sau khi chèn xong bạn nhớ nhấp Lưu nhé.
Lưu ý: Cách này không chèn được ở các trang Thanh toán của Haravan. Bạn chỉ có thể gửi code Tag Manager cho nhân viên kỹ thuật của Haravan chèn giúp bạn thôi. Bạn hãy nhớ rõ 2 điều này:
1. Chắc chắn chèn được, nếu không thì bạn đã gặp một nhân viên kỹ thuật “lười” rồi. (Mình đã dùng cách này vài lần đều OK nhưng mà mình phải rất cứng với họ cơ)
2. Hãy kiểm tra bằng công cụ ở phần dưới bài viết để chắc chắn là họ đã chèn thành công cho bạn.
Cách thêm Google Tag Manager vào website WordPress
Một nền tảng website mở khá phổ biến hiện nay là WordPress. Và cũng chỉ mất 2 bước để chèn Tag Manager vào WordPress mà thôi.
Bước 1: Để chèn code Google Tag Manager an toàn cho website WordPress của bạn, hãy cài đặt plugin Insert Headers and Footers.
Bước 2: Bạn vào Cài đặt và chọn Insert Headers and Footers. Sau đó bạn chèn code Tag Manager vào như sau.
- Script ở Header: Bạn chèn code A.
- Scripts in Body: Bạn chèn code B.
Sau khi chèn xong bạn nhớ nhấp Lưu nhé. Lưu ý: Nếu bạn có sử dụng plugin tạo cache thì hãy xóa cache đi nhé.
Cách thêm mã Google Tag Manager vào website code tay
Thường mấy bạn làm affiliate hay sử dụng website dạng tĩnh (là các file HTML). Bạn tìm đúng file HTML của landing để chỉnh sửa rồi chèn code Google Tag Manager theo quy tắc này là được.
<head>
Code A
</head>
<body>
Code B
</body>
Cách kiểm tra mã Google Tag Manager đã hoạt động hay chưa?
Chèn Tag Manager vào web rồi nhưng làm sao để chúng ta biết là nó đã hoạt động chưa. Nhiều trường hợp bên agency nhờ khách hàng báo với bên dịch vụ website chèn giùm mà cuối cùng thì bên này nói đã chèn bên kia kêu chưa có.
Vậy thì cách kiểm tra liệu Google Tag Manager đã được chèn vào web chưa và chèn đúng không mình sẽ chỉ luôn cho bạn.
Bước 1: Bạn cài đặt tiện ích Tag Assistant trên trình duyệt Chrome. Hãy nhấp nút bên dưới để mở trang tiện ích nhé.
Bước 2: Bạn nhấp vào nút tiện ích rồi nhấp vào nút ghim kế bên Tag Assistant để đưa nó lên trên cho dễ sử dụng.
Bước 3: Bạn mở website đã chèn Google Tag Manager, sau đó bạn nhấp vào Tag Assistant rồi nhấn Enable (Bật) và tải lại trang web.
Cách để nhận biết các thẻ trong Tag Assistant đã chèn đúng hay không như sau.
- Màu xanh dương và xanh lá cây: Bạn đã chèn đúng, các code tracking đã hoạt động.
- Màu vàng và đỏ: Bạn đã chèn sai, cần kiểm tra lại.
Các sai lầm hay mắc phải khi chèn mã Google Tag Manager
Nếu lần đầu sử dụng có thể bạn sẽ gặp lỗi khi chèn Tag Manager vào web. Dưới đây là một số lỗi phổ biến và cách xử lý.
- Đã chèn đúng rồi mà sao kiểm tra Tag Assistant không hoạt động đúng: Có 2 trường hợp. 1 là bạn chưa nhấp gửi như ở bước tạo vùng chứa Tag Manager. 2 là bạn chèn sai vị trí của code A và code B, hãy đọc kỹ lại bài viết và xem lại bạn đã chèn đúng chưa nhé.
- Code found outside of <body> tag: Kiểm tra lại ví trí code B có đã chèn đúng vào giữa <body> và </body> chưa.
- Invalid or missing account ID: Kiểm tra lại mã ID của Google Tag Manager của bạn có bị sai không.
- Tag is included in an iframe: Thẻ Tag Manager của bạn phải đặt trực tiếp trên website của bạn, không được đặt thông qua iframe.
Các lỗi dưới đây là do bạn chèn code B vào giữa một thẻ phần tử nào đó trong HTML mà không phải là <body>.Bạn phải chèn code B vào ngay sau <body> mới đúng. Hãy kiểm tra lại vị trí chèn code B nha.
- <script> tag must not be included in a <span>
- <script> tag must not be included in a <section>
- <script> tag must not be included in a <p>
- <script> tag must not be included in a <i>
- <script> tag must not be included in a <header>
- <script> tag must not be included in a <form>
- <script> tag must not be included in a <footer>
- <script> tag must not be included in a <dl>
- <script> tag must not be included in a <center>
- <script> tag must not be included in a <ns:robots>
- <script> tag must not be included in a <flow:ifenabled>
- <script> tag must not be included in a <div>
- <script> tag must not be included in a <div>
Dùng Google Tag Manager để đo lường như thế nào?
Nội dung bài viết này mình chỉ tập trung vấn đề chính là chèn được Tag Manager vào web thôi. Còn cách sử dụng để tracking các kiểu thì mình sẽ viết sang bài khác và sẽ cập nhật link ở đây hoặc bạn có thể xem trong chuyên mục bài viết về Google Tag Manager nha.
- Hướng dẫn tracking chuyển đổi MGID bằng Tag Manager.
- Tracking chuyển đổi Tawk.to bằng Google Tag Manager.
Tóm lại, hầu hết các nền tảng đều có cách chèn code gần như nhau. Nếu bạn đang dùng nền tảng khác những nền tảng mà trong bài viết vừa hướng dẫn, hãy comment và Simple Page sẽ hướng dẫn bạn ngay nhé. Hãy khám phá thêm nhiều tính năng khác của Google Tag Manager để sử dụng thật hiểu quả nhé!
Nguồn: lucidgen.com
Bài viết liên quan:
Tổng hợp 7 đợt Google Update thuật toán và án phạt trong SEO trong năm 2020
20 thủ thuật có thể bạn chưa biết về Google Maps
6 bước SEO từ khóa lên top Google nhanh và hiệu quả nhất
Hoài Phương (0901930305) – Simple Page