Mỹ thuật Đa Phương Tiện (MTĐPT) kiến tạo các sản phẩm giải trí – nghệ thuật, và nâng tầm thẩm mỹ của các sản phẩm – dịch vụ trong kinh doanh. Để thành công trong lĩnh vực này, bạn cần tố chất và kỹ năng nào?
Ngành MTĐPT đang phát triển mạnh mẽ và từng bước quen thuộc hơn với công chúng
Theo Statista (nền tảng hàng đầu về dữ liệu thị trường toàn cầu), nền kinh tế internet tại Việt Nam tăng trưởng dự kiến lên tới 33 tỷ đô la Mỹ tính đến năm 2025 và đa số khán giả hướng đến quảng cáo trực tuyến. Thống kê cũng chỉ ra chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số dự kiến đạt 301 triệu đô la Mỹ trong năm 2020. Vì thế, doanh nghiệp muốn ghi dấu ấn trên thị trường trực tuyến sôi động và cạnh tranh, cần đến các chuyên gia thiết kế đa phương tiện trình độ cao, để tạo nên những sản phẩm nghệ thuật đẹp mắt, đậm cảm xúc, tăng tương tác với khán giả.
Tạp chí, biển quảng cáo, MV ca nhạc, đồ họa game, giao diện của một website… đều là sản phẩm của thiết kế MTĐPT. Các chuyên gia thiết kế MTĐPT sử dụng nhiều công cụ, ứng dụng kỹ thuật số trong lĩnh vực thiết kế, nhằm xử lý cùng một lúc nhiều nhu cầu về đồ họa nói chung như đồ họa tĩnh (2D), đồ họa động (3D)… để hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo không giới hạn.0:00
Muốn học MTĐPT và trở thành nhà thiết kế – chỉ đam mê có đủ?
Nếu còn đang phân vân những câu hỏi dưới đây, hãy đọc kĩ câu trả lời được tổng hợp từ các chuyên gia multimedia để nắm rõ những tố chất và kĩ năng của ngành MTĐPT.
Học Thiết kế đồ họa có cần biết vẽ?
Đây là một chủ đề được rất nhiều bạn thắc mắc và e ngại. Để thiết kế, bạn cần phân định rõ giữa đúng và đẹp. Đối với việc thiết kế, đầu tiên phải đúng đã, từ đúng rồi mới đẹp được. Cho nên đừng quan trọng ngay bước đầu tiên là mình có biết vẽ hay không, mà cần quan tâm tới mình có làm đúng hay không. Khi thiết kế, còn một bước nữa chính là phải xác định đúng vấn đề. Việc biết vẽ sẽ không giúp ta xác định vấn đề tốt hơn, mà phải phụ thuộc vào tính logic, khảo sát, hiểu vấn đề của người khác, hay rõ hơn là khách hàng.
Yếu tố sáng tạo có quan trọng không?
Vấn đề quan trọng đầu tiên mà bạn cần xem xét tới, chính là thiết kế của bạn có bán được cho khách hàng hay không, có tới được với công chúng hay không. Việc thể hiện ý tưởng qua những bản thiết kế có thể gọi là giải pháp, nhưng nếu giải pháp ấy sai mục đích thì cần xem xét lại. Ví dụ, bạn được giao nhiệm vụ thiết kế bao bì một sản phẩm dành cho trẻ em, nhưng bạn lại chọn những hình ảnh và màu sắc có phần già dặn, thì sáng tạo của bạn sẽ không gây ấn tượng tới khách hàng – những người thích màu sắc, hình ảnh trẻ con, tươi sáng.
Những kỹ năng mà nhà thiết kế cần rèn luyện để vươn xa hơn trong sự nghiệp
Ở thế hệ Z, không khó để nhận ra rằng các bạn đã được tiếp xúc khá sớm với internet, và những kỹ năng mềm cũng được chú trọng hơn. Một số kỹ năng đầu tiên không thể thiếu với người làm ngành sáng tạo đó là kỹ năng tự học và nghiên cứu, kỹ năng teamwork và kỹ năng phản biện.
Ngoài ra, người học cũng nên trang bị kỹ năng về tiếng Anh để có thể nắm bắt kiến thức và xu hướng trên thế giới một cách nhanh nhất. Tiếp theo là những kỹ năng về giao tiếp, tâm lý học và kiến thức nền ở những ngành khác – đặc biệt là Công nghệ thông tin và Marketing. Cuối cùng, nếu muốn vươn xa hơn trong sự nghiệp, hãy rèn luyện kỹ năng quản lý bản thân và quản lý dự án – những kỹ năng thiên về tính kỷ luật.
Một ngôi trường đào tạo MTĐPT đạt chuẩn được đánh giá qua những yếu tố nào?
Tùy vào mục đích và khả năng tài chính, bạn có thể chọn nơi học phù hợp với mình. Nhưng quan trọng là bạn sẽ được những gì, kiến thức, kỹ năng mà bạn sẽ học liệu sẽ có ích cho bạn, có mang lại cho bạn một sự nghiệp vững chắc hay không? Khi đó, một ngôi trường với lộ trình rõ ràng; kết hợp đào tạo song song lý thuyết và thực hành; đảm bảo đầu ra cho sinh viên là những điều nên quan tâm.
Cũng nên để tâm vào việc nơi bạn theo học có tính địa phương hóa trong chương trình giảng dạy hay không. Cách truyền đạt kiến thức phải phù hợp với tập tính dân cư và cả khả năng phát triển của người học, làm sao để tạo được tiền đề cho sự nghiệp của họ sau này.
Nguồn : Quang Vũ, theo Trí thức trẻ
Tổng hợp: Thuong – ATP