Bạn có biết, những chiếc máy ảnh lấy ngay (Polaroid) mà nhiều bạn trẻ hay dùng bây giờ được phát minh từ câu hỏi “Tại sao không?” của một cô bé 3 tuổi không?
Trước kia, mỗi lần chụp ảnh xong, người ta phải mang cuộn phim đến tiệm rửa ảnh, đợi 1 – 2 tuần mới thấy được tấm ảnh ra sao. Đối với nhiều người, đó là một điều hiển nhiên. Vào một ngày đẹp trời năm 1944, cô bé Jennifer, khi đó mới chỉ mới 3 tuổi, rất ngây thơ hỏi bố mình, ông Edwin H.Land: “Sao mình lại không xem được ảnh ngay sau khi chụp vậy bố?”.
Tất nhiên, Edwin có thể trả lời qua loa với con gái về những quy trình phức tạp để rửa ảnh thời bấy giờ rồi thôi. Nhưng chính câu hỏi đó đã thúc đẩy ông suy nghĩ: “Nếu như mình có thể thấy ảnh ngay sau khi chụp thì sao?”. Và 4 năm sau, ông tạo ra chiếc máy ảnh “lấy ngay”, chính là nền tảng cho tất cả những máy ảnh Polaroid sau này.
Từ góc nhìn của những người phát triển sản phẩm, những câu hỏi tưởng chừng ngô nghê như của cô bé Jennifer mang 2 tầng ý nghĩa:
1. Cho thấy người dùng có nhu cầu thay đổi thực tại, thay đổi những điều ai cũng xem là hiển nhiên.
2. Giúp tổng hợp, liệt kê lại toàn bộ những rào cản kỹ thuật khiến sản phẩm hiện tại chưa được như mong muốn.
“Questioning Orthodoxies” (Nghi ngờ những điều được số đông chấp nhận) chính là 1 trong 7 cách thức khám phá Insight hiệu quả, cũng là cách nhanh nhất để biến insight thành một sản phẩm mới.
Khôi Nguyên – Simple Page
Nguồn : brandcamp.asia