Cuộc chiến giữa Apple và Facebook có gì mà có thể thay đổi cả một nền công nghệ số. Khi 2 công ty công nghệ lớn nhất thế giới bước vào một cuộc đối đầu một mất một còn. Một cuộc đối đầu về tư tưởng hệ và mô hình kinh doanh mà trong thế giới tương lai có lẽ chỉ có 1 bên tồn tại. Có thể chúng ta đang đứng trước thềm của cuộc chiến mang tính thế kỷ giữa 2 gã khổng lồ. Nói là cuộc chiến thế kỷ vì dù là bên nào thắng thì có thể sắp tới thế giới số mà chúng ta biết sẽ được định hình lại theo một cách rất là khác.
Nguồn: NBC News
Những ai làm Digital Marketing gần đây đều biết Apple chặn việc thu thập dữ liệu trên nền tảng iOS, ảnh hưởng nặng nề đến khả năng nhắm chọn quảng cáo của Facebook với các thiết bị di động của hãng táo khuyết. Mạng xã hội lớn nhất thế giới phản kháng lại bằng cách tấn công Apple trên truyền thông, tạo một website mới, viện dẫn lý do rằng hành động này sẽ gây ra tổn thất cho hàng triệu các SMEs (các công ty vừa và nhỏ).
Mới đây, Tim Cook, CEO của Apple, đã có một bài trình bày mang tính đáp trả lại Facebook. Thú vị rằng, Cook làm điều này mà thậm chí không cần nhắc đến tên mạng xã hội này. Dưới đây là một nội dung trích và lược dịch từ những gì Cook đã nói:
Công nghệ không cần một số lượng khổng lồ dữ liệu người dùng thu thập từ hàng chục website, app để thành công. Và quảng cáo đã tồn tại và phát triển trong hàng thập kỷ mà không cần đến chúng và ngày nay chúng ta ở đây là vì con đường mà ít sự phản kháng nhất ít khi nào là con đường thông thái.
Nếu một doanh nghiệp được xây dựng để thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt dựa trên việc đưa tin tức sai lệch, cho bạn các quyền lựa chọn mà không phải là quyền, thì nó không phải là mô hình đáng được ca ngợi mà là thứ cần phải được sửa lại.
Chúng ta không được quên đi những thứ lớn và tốt đẹp hơn. Trong thời đại của những thông tin lệch lạc và các thuyết âm mưu được thúc đẩy bởi các thuật toán chúng ta không thể tiếp tục tin vào giả thuyết công nghệ nói rằng mọi tương tác là tốt, càng tương tác lâu thì càng tốt, tất cả chỉ với mục tiêu thu thập càng nhiều dữ liệu hơn.
Quá nhiều người đang hỏi rằng ‘chúng ta có thể tận dụng được bao nhiêu lợi ích (của công nghệ) trước khi phải trả giá?’ Tuy nhiên câu hỏi lẽ ra họ nên hỏi là ‘cái giá chúng ta phải trả là gì?’
Cái giá của việc ưu tiên các thuyết âm mưu và kích động bạo lực chỉ đơn giản là để có thêm tương tác?
Cái giá của việc không chỉ cho phép mà còn tưởng thưởng cho các nội dung hủy hoại lòng tin của cộng đồng về các vaccine có thể cứu mạng người?
Cái giá của việc nhìn thấy hàng chục ngàn người dùng tham gia vào các nhóm cực đoan và vận hành thuật toán mà giới thiệu thêm nữa các nhóm như vậy đến nhiều người hơn.
Đã quá trễ để có thể giả vờ rằng cách làm này không cần phải trả giá. Một sự phân hóa của lòng tin bị đánh mất và đương nhiên, bạo lực.
Một quyết định tiến thoái lưỡng nan về mặt xã hội không thể được phép trở thành một thảm họa xã hội.
Video đầy đủ về bài nói của Tim Cook:
Mặc dù không nhắc đến tên Facebook nhưng bạn không tránh khỏi gợi nhớ đến nền tảng mạng xã hội đang được xây dựng bởi Mark Zuckerberg. Và điều này phần nào tạo ra một tác động mạnh mẽ hơn. Apple và Facebook vốn đã chỉ mới bắt đầu đối đầu trực diện gần đây nhưng sự thật là 2 công ty công nghệ khổng lồ này đã trên một tuyến tính chạm trán trực diện trong một thời gian dài rồi. CEO Facebook, Mark Zuckerberg, thậm chí còn chỉ đích danh Apple hiện đang dần dần định hình trở thành đối thủ lớn nhất của Facebook.
Điều này xảy đến từ triết lý kinh doanh đối lập của 2 bên. Apple là một công ty công nghệ bán sản phẩm phong cách sống (lifestyle) và một phần của phong cách sống mà hãng này rao bán là bảo toàn quyền riêng tư của người dùng. Hãng táo khuyết cho rằng người dùng trả tiền cho sản phẩm và dịch vụ của họ và do đó nên được bảo toàn về tính riêng tư và so sánh việc sói mòn tính riêng tư và dữ liệu người dùng bị rao bán như hiện nay là một trong những vấn đề hệ trọng của thế kỷ. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên hiểu việc Apple làm những điều này cũng là vì mục tiêu kinh doanh, bảo vệ quyền riêng tư chỉ là một bước đi truyền thông bên lề. Apple không xa lạ gì với việc bán data người dùng cho các nền tảng quảng cáo như Google (12 tỷ trong năm 2020) và nhiều bên đã lên tiếng gọi việc bảo vệ quyền riêng tư của Apple là đạo đức giả.
Facebook trong khi đó là một công ty quảng cáo và dữ liệu, càng nhiều dữ liệu của người dùng thì họ càng bán quảng cáo được tốt hơn cho các công ty khác để có lợi nhuận. Trong mô hình kinh doanh của Facebook, người dùng đánh đổi sự riêng tư của cá nhân để đổi lại sự tiện lợi, người dùng chính là một phần của sản phẩm, data của họ được khai thác và bán cho các bên công ty khác dưới hình thức quảng cáo tối ưu hóa (personalized ads).
Tuy nhiên, thu thập và bán dữ liệu của người dùng là một cái giá đắt để trả như một câu nói mà chắc bạn đã nghe nhiều: “nếu sản phẩm đó miễn phí thì bạn không phải là khách hàng, bạn chính là sản phẩm”.
Trong bài thuyết trình của mình, Tim Cook chỉ ra rất rõ sự khác biệt về triết lý công nghệ giữa 2 hãng bằng những ngôn từ chỉ đích danh mạng xã hội của Facebook hơn:
Chúng tôi tin rằng công nghệ có chuẩn mực đạo đức là công nghệ mà phục vụ người dùng. Công nghệ tin giúp bạn ngủ ngon mỗi tối, không phải giữ bạn thức giấc. Công nghệ mà sẽ cho bạn biết là khi nào là đủ rồi. Công nghệ tạo cho bạn khoản trống để bạn viết, để vẽ, để sáng tạo, chứ không phải để kéo xuống refresh lần nữa xem có gì mới.
Mới nhìn qua ta có thể nghĩ có thể cả 2 công ty chỉ chọn hướng và mô hình kinh doanh khác nhau nhưng sự thật là cả Apple và Facebook đang trên đà đi đến một sự chạm tráng trực diện bởi 2 tư tưởng sản phẩm đối lập. Và tương lai của chúng ta có thể chỉ có một hệ tư tưởng được chọn lựa bởi số đông. Kết quả của cuộc đối đầu này chúng ta sẽ còn tiếp tục được chứng kiến sắp tới tuy nhiên, Facebook có vẻ đang trong đà yếu thế hơn khi Apple nắm trong tay tới hơn 23,4% thị phần của toàn bộ người dùng điện thoại di động. Nếu Facebook (và các app liên quan Instagram, Whatsapp) bị cấm trên iPhone, liệu bạn có bỏ iPhone và dùng Android chỉ đề được xài các ứng dụng này? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời.
Nguyễn Đức Vũ – Simple Page
# Nguồn: Bui Quang Tinh Tu / Conversion.vn