Hôm qua tình cờ Youtube gợi ý video “Sự phát triển của công ty Thái Công 6 năm qua” mình vào xem thì vào bị thu hút ngay vì video có nội dung quá hay. Đây là một vài mình đúc kết được từ những câu chuyện mà NTK Thái Công chia sẻ 8 điều đắt giá trong kinh doanh. Hy vọng hữu ích với mọi người !
Mục lục bài viết
- 1. Định vị khách hàng và sản phẩm
- 2. Tăng doanh số bằng cách tăng giá trị sản phẩm
- 3. Luôn phải đổi mới liên tục
- 4. Tái đầu tư vào chính doanh nghiệp của mình
- 5. Đầu tư vào nhân sự
- 6. Bán sự trải nghiệm & phong cách sống thượng lưu
- 7. Đốt tiền để kiếm tiền nhiều hơn
- 8. Quảng cáo sản phẩm tinh tế kiểu “Thái Công”
1. Định vị khách hàng và sản phẩm
NTK Thái Công là một người rất nổi tiếng tại Đức với các sản phẩm thiết kế cho phân khúc thượng lưu của Châu Âu với phong cách thiết kế super luxury.
Tuy nhiên khi quyết định về VN “khởi nghiệp” năm 2015 thì NTK lại chọn phân khúc sản phẩm cho tầng lớp trung lưu của Việt Nam với mức giá chỉ từ vài triệu đến chục triệu.
Điều này đã mang đến những hệ quả gì?
– Nhạt nhòa giữa rừng sản phẩm nội thất thời điểm đó. Mặc dù thương hiệu Thái Công không phải bàn cãi nhưng vấn đề là sản phẩm bán KHÔNG TƯƠNG XỨNG GIÁ TRỊ với SỰ NỔI TIẾNG đó.
– Doanh thu không như mong muốn vì chọn sản phẩm và khách hàng chưa phù hợp.
2. Tăng doanh số bằng cách tăng giá trị sản phẩm
Sau một thời gian Thái Công đã quan sát và nhận định “để đạt doanh số 2000 USD cho 1 SP giá 20 USD thì team sale cần bán 100 cái, điều này sẽ rất cực”.
Với các mô hình có diện tích sàn lớn, vốn lớn như IKEA thì mới dễ bán được các SP như vậy. Còn với diện tích của showroom chỉ 1500m2 thì rất khó.
Vậy giải pháp lúc này đó là TĂNG GIÁ TRỊ sản phẩm từ bán 100 sp 20 USD thì giờ Thái Công nhập hàng cao cấp chỉ đúng 1 sp nhưng mức giá lên 2000 USD. Lúc này nhân viên chỉ cần bán 1 sp thì giá trị mang lại đã x100 lần.
Chính vì sự thay đổi về sản phẩm này đã mang lại những thay đổi rất lớn về sau của Thái Công.
Ngoài ra khi bạn kinh doanh sản phẩm cao cấp điều đó tương đương với chất lượng tốt nhất, điều này giúp bạn “chọn lọc khách hàng phù hợp” và hầu như 100% khách hài lòng cũng như tỷ lệ mua lại cao.
3. Luôn phải đổi mới liên tục
Khi bắt đầu thay đổi dòng sản phẩm từ trung lưu lên hàng xa xỉ thì lúc này không gian của Showroom không còn phù hợp để trưng bày nữa, vì vậy Thái Công phải đập đi xây lại rất nhiều lần để có được không gian trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng khi xem sản phẩm.
4. Tái đầu tư vào chính doanh nghiệp của mình
Nguồn lợi nhuận có được từ hoạt động kinh doanh Thái Công luôn dùng nó để tiếp tục phát triển chính công ty của mình, Thái Công không ý định mở nhiều chinh nhánh mà muốn phát triển “theo chiều sâu”.
5. Đầu tư vào nhân sự
Câu chuyện về “Hóa trang hay phục trang”?
Để bán sản phẩm giá trị cao cho khách hàng thượng lưu thì nhân viên phải thể hiện được sự đẳng cấp, chu đáo của mình thông qua kiến thức, ngoại hình và cách giao tiếp.
Vì vậy khi tuyển dụng nhân sự Thái Công đã đặt may riêng vest cho nhân viên và training kỹ năng cho nhân sự. Tuy nhiên đó chỉ là “hóa trang” nếu như thiếu đi nội lực từ bên trong của nhân viên, điều này thực sự khó hoàn thiện. Có rất nhiều người mặc vest lên nhưng không ra dáng một doanh nhân hay một nhân viên bán hàng vì thiếu đi nội lực đó.
Và để mở mang hiểu biết cho các nhân viên, Thái Công mỗi năm thường cho nhân viên đi du lịch, đi học ở nước ngoài, nhân sự được giao lưu và tìm hiểu dự án thực tế sẽ tăng kiến thức và nội lực lẫn phong cách sống cho nhân viên.
6. Bán sự trải nghiệm & phong cách sống thượng lưu
Gần đây có nhiều dư luận bàn tán về phong cách thiết kế của Thái Công không hợp tiêu chuẩn trong kiến trúc và phong thủy, mở công ty chỉ với mục đích kinh doanh sản phẩm xa xỉ. Tuy nhiên thay vì phải phân minh về điều đó thì team Thái Công đã chứng tỏ với người xem rằng những gì họ làm đều mang lại giá trị to lớn cho chủ nhà và cộng đồng xã hội thông qua các hoạt động team đã làm cho dự án.
Thái Công có chia sẻ “Ở đây chúng tôi cung cấp sự trải nghiệm và phong cách sống” điều này thật tế là vô giá vì không có gì có thể đo đếm được.
Ngoài ra khách hàng của Thái Công là giới tinh anh thượng lưu thì tầm suy nghĩ đã rất khác biệt so với số đông còn lại, do đó điều họ cần ở ngôi nhà của mình chưa chắc người bình thường đã hiểu rõ.
7. Đốt tiền để kiếm tiền nhiều hơn
Để khách hàng có thể mua sản phẩm, bạn không thể để nó ở khu trưng bày mà phải để cho khách trải nghiệm thực tế bằng mọi giác quan.
Do đó Thái Công đã mở nhà hàng và mọi chén dĩa sử dụng đều là hàng cao cấp. Các khu vực trưng bày đều thắp nến thơm loại cao cấp đến 1000 USD và cho trải thảm cho khách tự do đi lên. Nếu như không làm điều này thì khách hàng sẽ không thể cảm nhận được sản phẩm để ra quyết định mua.
Chỉ với việc “đốt tiền” chỉ để cho khách trải nghiệm miễn phí đã đủ thấy “cái tâm và tầm” của NTK Thái Công trong công việc như thế nào.
8. Quảng cáo sản phẩm tinh tế kiểu “Thái Công”
Nếu bạn để ý kỹ sẽ thấy trong các video Thái Công đều giới thiệu mức giá sản phẩm đi kèm với một giá trị trải nghiệm cao cấp. Nếu qua cách bán hàng thông thường khi giới thiệu giá sẽ đi kèm giá trị sử dụng thì NTK đã tăng giá trị sử dụng cho sản phẩm bằng cách tạo cho nó một trải nghiệm sử dụng cao cấp hay chính là phong cách sống. Thật sự NTK Thái Công là một bậc thầy cả về thiết kế, kinh doanh và quảng cáo.
Trên đây là các đúc kết của mình về câu chuyện kinh doanh của NTK Thái Công, mọi người nếu thấy hay có thể chia sẻ, còn điểm nào chưa đúng xin các ý kiến đánh giá.
Nguồn Nguyên Phong – Co-Founder Simple Page Việt Nam
Ánh Tuyết – Digital Marketing tại simplepage.vn
Có thể bạn quan tâm: