Với người viết content, bí ý tưởng là trạng thái ác mộng mà bất cứ ai cũng ít nhất một lần gặp phải. Khi thương hiệu luôn luôn cần nội dung mới cập nhật hằng ngày, làm thế nào để người viết đáp ứng được về cả số lượng và chất lượng bài viết, hay nói cách khác là người viết có đủ ý tưởng triển khai content không trùng lặp, không nhàm chán, không sáo rỗng, vô vị …? Dưới đây là 6 cách bạn có thể áp dụng
1. 4 HIỂU TRƯỚC KHI VIẾT BÀI
Để có được ý tưởng viết bài, bạn cần hiểu rõ về thương hiệu. Công đoạn nghiên cứu rất quan trọng và kỹ năng research là một trong những kỹ năng cần thiết của content creator. 4 hiểu mà bạn cần nắm rõ để có nhiều góc nhìn, khai thác được nhiều chủ đề viết bài chính là:
Hiểu sản phẩm: Sản phẩm của bạn có những đặc tính nào, chất lượng sản phẩm ra sao, ích lợi mang tới cho người dùng như thế nào? Có đặc điểm gì đặc biệt? Quy trình sản xuất của sản phẩm như thế nào? Nguyên vật liệu tạo thành? Giá trị vật chất? Giá trị tinh thần mà sản phẩm mang lại …
Hiểu người dùng: Đối tượng người dùng của sản phẩm là ai? Họ có sở thích gì? Thói quen, tâm lý của người dùng? Người dùng thích tiết kiệm tiền hay kiếm thêm tiền …? Người dùng mong muốn những lợi ích gì? Họ có vấn đề gì cần giải quyết?
Hiểu thị trường: Thị trường đang sôi động, cạnh tranh hay đang im ắng? Các thương hiệu khác đang có động thái gì?
Hiểu đối thủ: Đâu là những đối thủ có sản phẩm tương tự bạn? Sản phẩm của bạn chiếm ưu thế hơn ở điểm nào: giá cả, chất lượng, chế độ hậu mãi, chăm sóc khách hàng ..? Đối thủ chiếm ưu thế hơn ở điểm nào?
2. LẬP TRƯỚC CONTENT DIRECTION VÀ CONTENT CALENDAR
Khi đã có được các góc nhìn, chủ đề viết bài từ 4 hiểu, bạn cần lên trước content direction (định hướng nội dung) và content calendar (lịch trình đăng bài). Việc lập trước content direction và content calendar là để bạn định hình, sắp xếp được kế hoạch chi tiết bài viết, tránh việc từng ngày viết bài tùy hứng, đến ngày mới ngồi suy nghĩ ra hôm nay phải viết bài như thế nào ..
Cụ thể, ở content direction, bạn cần xác định:
Mục tiêu của campaign/bài viết: bài viết của bạn nằm trong chiến dịch nào, chiến dịch đó có mục tiêu nào? Với các mục tiêu khác nhau, cách thức viết bài sẽ khác nhau và ý tưởng triển khai sẽ khác nhau. Bạn cần xác định mục tiêu bài là push sale, educate khách hàng ban đầu hay làm brand awareness để thay đổi chủ đề bài viết linh động phù hợp
Tone of voice (Giọng điệu): Giọng điệu thương hiệu luôn cần thống nhất và chỉ sử dụng 1 giọng điệu, vì vậy bạn cần xác định trước khi triển khai viết bài. Cần phù hợp với các chiến dịch đã chạy từ trước hoặc với yêu cầu từ nhãn hàng ..
Angle (Chủ đề chính): Thông thường, một nhãn hiệu sẽ có các chủ đề chính và các bài viết sẽ xoay quanh các chủ đề đó. Các chủ đề chính được chia ra với các tỉ trọng khác nhau như: Brand (Thương hiệu 10%), Product (Sản phẩm 20%), Knowledge (Kiến thức liên quan sản phẩm 20%), Spirit (Chăm sóc tinh thần người dùng 30%), Entertainment (Giải trí, bắt trend 20%)
Từ Content direction, bạn đã có thể phân ra chi tiết Content Calendar theo tuần hoặc theo tháng. Rất đơn giản, bạn chỉ cần lên ý tưởng tiêu đề, ý chính của bài viết chuẩn bị trước hằng tuần từ 2 công đoạn mà bạn đã dày công chuẩn bị ở trên rồi.
3. LUÔN GHI LẠI NHỮNG Ý TƯỞNG BẤT CHỢT
Lên kế hoạch là việc làm bắt buộc để đào ý tưởng nhưng bạn cũng cần “bắt” lại những khoảnh khắc ý tưởng lóe sáng bất chợt. Vì tính chất content luôn phải bắt kịp với xu hướng và diễn tiến của thời đại nên các content writer luôn có “khoảng trống” cho các bài viết bắt trend theo các biến cố xảy ra bất chợt. Nhiều người hay đùa rằng vừa ngủ một giấc dậy đã thành người tối cổ là vậy đấy.
Tuy nhiên, nếu chẳng có biến cố gì, thì những idea bất chợt của bạn cũng cần được ghi lại. Với một content writer, bất cứ idea nào cũng có đất dụng võ, chỉ có não bộ chúng ta rất dễ quên, nên việc ghi chú là cần thiết để ý tưởng không bị cuốn theo chiều gió. Có một nhà văn với tác phẩm kinh điển đã chia sẻ, ông sáng tác bằng cách bỏ những từ vựng mà ông cảm thấy “hay ho” vào chung một chiếc hộp. Mỗi ngày, ông sẽ lấy ra 10 từ và dù 10 từ ấy là bất cứ từ nào thì ông cũng sẽ viết thành 1 chương sách. Bạn thấy cách ghi chú ý tưởng này có áp dụng được không nào?
4. TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT LÀ KHO BÁU BÍ MẬT
Với một người sáng tạo nội dung, ngôn từ là chiếc áo, là diện mạo hằng ngày mà chúng ta cần cắt may, may đo cho vừa vặn đẹp nhất với từng thương hiệu. Bạn có bao giờ tham khảo từ điển tiếng Việt? Nếu chưa thì hãy lật ngay từ điển tiếng Việt ra khi bí ý tưởng, bởi vì đây chính là tập hợp đầy đủ nhất từ vựng – từ đồng nghĩa – gần nghĩa – trái nghĩa, những cụm từ content writer cần thay thế để không bị lặp từ …
Bên cạnh đó, từ điển tiếng Việt còn là tài liệu để writer có thể kiểm tra ngữ nghĩa từ vựng mình sử dụng có đúng hay chưa, hay có thể ứng dụng những từ Hán Việt, từ vay mượn .. Bạn đừng suy nghĩ chỉ có từ vựng làm sao có thể phát triển ý tưởng được nhé. Khi bạn tham khảo và có đủ được vốn từ cần thiết, tiêu đề bài viết sẽ tự động xuất hiện trong não bộ, và khi đã có tiêu đề, 80% bài viết của bạn đã hình thành rồi đấy.
5. CURATION CONTENT – NGHỆ THUẬT THAM KHẢO TINH TẾ
Curation content là content được xây dựng dựa trên việc chọn lọc, biên tập lại những content đã có sẵn trước đó. Đây không phải là spin content hay content xào nấu, mà là nghệ thuật tham khảo tinh tế.
Khi bạn đang bí ý tưởng, và các thương hiệu khác đã có những nội dung giống nhau, việc của bạn là tham khảo các nội dung đó và tổng hợp, đúc kết lại theo góc nhìn, quan điểm, nhận định của bạn. Hãy làm nội dung bạn trở nên đặc biệt hơn với dấu ấn cá nhân của mình: style viết của bạn hay màu sắc thương hiệu bạn chẳng hạn. Hãy lựa chọn những điểm chính mà độc giả mục tiêu của bạn quan tâm thay vì tổng hợp tất cả bài viết và tạo từng topic cho từng điểm chính. Với curation content, bạn có thể có rất nhiều chủ đề theo các cách:
- Tổng hợp từ nhiều bài viết
- Chắt lọc từ một bài viết
- Kế thừa phát triển thêm từ bài viết gốc
- Thêm so sánh và thêm quan điểm từ nhiều bài viết
- Tổng hợp từ nhiều bài, có phân tích sâu và thêm giá trị sâu sắc
6. VẬN DỤNG QUY NẠP VÀ DIỄN DỊCH
Quy nạp và diễn dịch là hai cách viết văn chúng ta được học khi còn học phổ thông. Bạn có thể vận dụng phương pháp quy nạp và diễn dịch mỗi khi tắc tị ý tưởng viết bài.
Ở phương pháp quy nạp, bạn có thể nhìn vấn đề từ góc độ nhỏ đến lớn, từ góc độ riêng tới chung, từ góc độ cá nhân tới bao quát, cá biệt tới tổng thể. Nói ví von thì bạn có thể hình dung như bạn chuyển từ chế độ chụp góc cận sang chế độ chụp góc rộng.
Ở phương pháp diễn dịch, bạn có thể đi sâu vào từ chung tới riêng, phân nhánh, chẻ ngọn, rẽ mạch chi tiết từng vấn đề. Bạn có thể hình dung phương pháp này như vẽ sơ đồ cây, từ một ý tưởng ngọn, có thể phân thành nhiều ý tưởng nhánh khác nhau.
Diễn dịch và quy nạp là hai chiều, đi từ chi tiết tới tổng thể và từ tổng thể xuống chi tiết, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn phương pháp khi “ăn trái bí”, đi ngược về xuôi để có ý tưởng phù hợp nhé.
Dựa trên 6 cách trên, hy vọng đã giúp bạn tích thêm bí kíp phòng chống giặc bí khi viết bài. Ý tưởng tốt sẽ giúp cất cánh thương hiệu. Bạn đã trở thành một người viết không bao giờ cạn kiệt ý tưởng chưa?
Nguồn: Lê Đức Hoàng Vân – Founder & CEO Content Tử Tế
Tổng hợp : Thương – ATP