Mới đây, Adam Mosseri – người đứng đầu Instagram đã tuyên bố, nền tảng này không còn là một mạng xã hội chia sẻ ảnh. Cùng tìm hiểu những xu hướng thúc đẩy sự thay đổi định hướng của ứng dụng một tỷ người dùng này.
Bước ngoặt này là tất yếu để Instagram bắt kịp với những thay đổi trong hành vi của người dùng mạng, đồng thời trực tiếp cạnh tranh với đối thủ TikTok.
1. SỰ TRỖI DẬY CỦA MICRO VÀ NANO-INFLUENCER
Ưu tiên đầu tiêu của Instagram đối với sự thay đổi này là cải tiến các công cụ kiếm tiền trong ứng dụng cho người dùng, khiến sáng tạo nội dung có thể trở thành công việc tạo thu nhập đều đặn, thậm chí là nguồn thu nhập chính. Thành công của các nền tảng tập trung tạo điều kiện cho người sáng tạo kiếm tiền và phát triển như TikTok, OnlyFans và Substack là động lực cho các công ty công nghệ lớn như Facebook, Snap, Vimeo,… vào cuộc.
Tăng trưởng trong thu nhập của người sáng tạo trên các nền tảng kiếm tiền phổ biến qua từng năm. (Nguồn: Web Smith / Twitter)
Số liệu từ Insider đã chỉ ra rằng, thị trường influencer marketing (quảng cáo thông qua người ảnh hưởng) sẽ đạt 8 tỷ USD vào năm 2022. Trong số đó, có đến 79% thương hiệu trên thế giới đều hợp tác với influencer trên nền tảng Instagram, nghĩa là nền tảng này sở hữu vô vàn cơ hội mang lại thu nhập cho người sáng tạo.
Tuy nhiên, những mạng xã hội phổ biến như Instagram vốn là “sân chơi” của người nổi tiếng trong thời gian dài. Chẳng hạn, với 217 triệu người theo dõi trên Instagram, một bài đăng của Selena Gomez được định giá ở mức 800,000 USD theo tính toán của Maxim. Mức giá ngất ngưởng này khiến các thương hiệu vừa và nhỏ tìm đến các “micro-influencer” – người có sức ảnh hưởng nhỏ với lượng người theo dõi dưới 30,000, và “nano-influencer” – người có sức ảnh hưởng siêu nhỏ với lượng người theo dõi bắt đầu từ 1000.
Số lượng người theo dõi của người ảnh hưởng (Nguồn: 7SAT / Advertising Vietnam)
Dù không phổ biến như người nổi tiếng, các micro và nano-influencer lại được coi là những “chuyên gia” trong các thị trường ngách và sở hữu mối liên kết bền chặt với một nhóm khán giả trung thành. Nghiên cứu cũng chứng minh rằng quảng cáo thông qua người có sức ảnh hưởng nhỏ và siêu nhỏ tạo cảm giác đáng tin cậy và chân thực hơn.
Với các công cụ kiếm tiền mới được giới thiệu như Cửa hàng cho Người sáng tạo, Huy hiệu,… Instagram đã sẵn sàng chuyển sự tập trung từ người nổi tiếng sang người sáng tạo nội dung với sức ảnh hưởng nhỏ và siêu nhỏ, tạo cơ hội xây dựng thương hiệu và kiếm tiền cho họ. hsfhjs
2. THÓI QUEN XEM VIDEO CỦA NGƯỜI DÙNG VÀ NHU CẦU QUẢNG CÁO BẰNG VIDEO CỦA MARKETER
Trong thông báo của Instagram, Adam Monsseri cũng nhấn mạnh nền tảng này sẽ tập trung vào video – hình thức sản xuất nội dung đang tăng trưởng bùng nổ trên mọi mạng xã hội. Instagram sẽ triển khai các chiến lược và thuật toán mới, chẳng hạn như đẩy mạnh Reels, gợi ý nội dung dạng video từ những tài khoản mà người dùng không theo dõi, cho phép xem video toàn màn hình,…
Sự phát triển của video đã diễn ra trong vài năm trở lại đây: chỉ trong năm 2016 – 2017, quảng cáo video có lượng người xem tăng 99% trên Youtube và 258% trên Facebook; tweet dạng video trên Twitter được chú ý hơn 6 lần so với tweet chứa hình ảnh. “Theo tôi, video sẽ là một xu hướng toàn cầu.” Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, nhận định vào năm 2017.
Sự phát triển mạnh mẽ của video trong những năm gần đây.
(Nguồn: Curalate / Pinterest)
Những số liệu được ghi nhận trong năm 2021 về thói quen xem video của người tiêu dùng cũng vô cùng ấn tượng: video trên mạng xã hội được chia sẻ nhiều hơn 1200% so với nội dung chữ và hình ảnh cộng lại; 96% người dùng xem video để tìm hiểu thêm về sản phẩm và dịch vụ; 82% thích xem video hơn đọc các bài đăng trên mạng xã hội. Đối với marketer và các nhà quảng cáo, 51% cho rằng video mang lại hiệu quả cao nhất, 87% sử dụng quảng cáo video và thu về tỷ lệ chuyển đổi cao hơn đến 34%.
Số liệu về Instagram cũng thể hiện tiềm năng phát triển nội dung dạng video mạnh mẽ trên nền tảng: quảng cáo video mang lại số lượt tương tác cao hơn 3 lần quảng cáo hình ảnh; 58% marketer dự định quảng cáo bằng video trên Instagram trong năm 2021; 70% người dùng xem video trên Story mỗi ngày, và cứ 4 người xem thì 1 người sẽ mua sản phẩm sau khi xem story có chứa quảng cáo.
Sự chuyển dịch từ ảnh sang video là cần thiết để Instagram bắt kịp với thói quen “tiêu thụ” nội dung của người xem và nhu cầu quảng cáo của thương hiệu, đảm bảo được mức độ tương tác trên nền tảng này.
3. CẠNH TRANH TRỰC TIẾP VỚI TIKTOK
Trước sự phát triển mạnh mẽ của TikTok, các mạng xã hội phổ biến khác đều đã tìm cách cạnh tranh với nền tảng này bằng các tính năng mới: Fleets (Twitter), Shorts (Facebook),… Với sự ra mắt của Reels – tính năng tạo video ngắn với âm thanh và hiệu ứng tương tự như TikTok vào tháng 8/2021, thời điểm ứng dụng này bị cấm tại Mỹ, Instagram cũng thể hiện rõ mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với TikTok của mình.
Mặc dù chứng kiến sự tăng trưởng nhất định về độ phổ biến, cần phải thừa nhận rằng phần lớn nội dung đăng tải trên Reels được người sáng tạo đăng lại từ TikTok. Mặc dù có sự tương đồng về cách thức hoạt động nhưng TikTok và Instagram Reel vẫn là hai không gian sáng tạo vô cùng khác biệt.
Trong khi TikTok tập trung vào xu hướng, các nội dung hài hước và tương tác giữa các tài khoản thông qua các tính năng như “Duet” (song ca) và Effect (hiệu ứng), Instagram Reels lại là không gian phù hợp với người sáng tạo Gen X và Gen Y – những người đang tìm kiếm một nền tảng tương tự như TikTok mà không bị “áp đảo” bởi Gen Z về số lượng người dùng.
Liệu Reels có thể trở thành một không gian sáng tạo độc lập thay vì là nơi đăng lại các video phổ biến trên TikTok như hiện tại? (Nguồn: Instagram)
Có thể nói, tính năng Reels chưa đủ để giúp Instagram thu hút người sáng tạo video và cạnh tranh với TikTok. Trả lời phỏng vấn với The Verge, Mosseri cũng nhận định rằng trong khía cạnh này TikTok đang “ở một vị thế vượt trội” so với Instagram. Các thuật toán mới nhằm ưu tiêu video trên nền tảng là những nỗ lực mạnh mẽ hơn từ Instagram nhằm cạnh tranh với ứng dụng hơn 1 tỷ người dùng đến từ Trung Quốc này.
4. XU HƯỚNG MUA SẮM TRỰC TUYẾN
Một ưu tiên quan trọng khác của Instagram là thúc đẩy mua sắm trong ứng dụng. Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử trong vài năm trở lại đây được đẩy nhanh hơn nữa trong trạng thái bình thường mới hậu đại dịch, và Instagram không thể chậm chân trong việc nắm bắt xu thế này.
Tại Mỹ, 35% người tiêu dùng trong độ tuổi 25 – 34 mua sắm qua các nền tảng mạng xã hội; 25% người sử dụng đã sử dụng tính năng “Mua ngay” (Shop Now) trên các ứng dụng. Số liệu từ Statista cũng cho thấy, vào cuối năm 2021, 73% doanh số thương mại điện tử sẽ được thực hiện trên điện thoại. Ngoài ra, hậu đại dịch, 80% người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua sắm hình thành trong đại dịch – 43% sẽ mua sắm trực tuyến những sản phẩm mà họ từng mua tại cửa hàng.
Bảng tin sản phẩm “Drops” – một trong những tính năng mua sắm mới của Instagram. (Nguồn: Instagram)
Gần đây, Instagram đã cho ra mắt nhiều tính năng mới vượt trội nhằm cải thiện hành trình mua sắm của người dùng trên ứng dụng, bao gồm tìm kiếm bằng hình ảnh, thử đồ trước khi thanh toán và ngay trong quảng cáo với công nghệ AR (Augmented Reality – thực tế ảo tăng cường), mua sắm chỉ bằng 1 click trên Reels và “Drops” – bảng tin các sản phẩm mới từ các thương hiệu yêu thích,… Những sáng kiến trên mở ra cơ hội cho Instagram từng bước vươn lên cạnh tranh với các “ông lớn” ngành bán lẻ như Amazon, Shopify,.. trong tương lai gần.
Tổng hợp
Thảo Nhi – Simple Page
Nguồn bài viết: advertisingvietnam